Tác gia và tác phẩm Ăn_mày_dĩ_vãng

Đại tá, nhà văn Chu Lai tên khai sinh là Chu Văn Lai, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1946 tại xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, là con trai của nhà viết kịch Học Phi. Trong Chiến tranh Việt Nam, ông là diễn viên của đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, sinh viên trường Đại học Quân y khóa I, rồi trở thành chiến sĩ đặc công hoạt động ở vùng ven đô Sài Gòn. Sau 1975, những người lính trở về từ mặt trận là những nhân chứng lịch sử xác thực nhất viết nên những bản hùng ca về cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam. Mỗi người có một cách kể lại cho các thế hệ con cháu họ về cuộc chiến và Chu Lai cũng không phải là ngoại lệ. Nếu có khác chăng với cách kể của những người lính khác, là ông đa cảm hơn và “nói dẻo hơn” (như chính Chu Lai tự thú nhận)[1]. Chu Lai đã tham dự trại sáng tác văn học Tổng cục Chính trị và sau đó theo học Khoá I Trường Viết Văn Nguyễn Du (nay là Khoa Viết văn - Báo chí thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội), chuyển sang nghiệp viết văn, và những tác phẩm để đời của ông, những câu chuyện đầy góc cạnh về cuộc chiến và của cả thời hậu chiến, bắt đầu được "thai nghén" từ đây[1].

Cho đến hiện nay, Chu Lai đã xuất bản 15 tiểu thuyết về đề tài chiến tranh và thời hậu chiến, trong đó có thể kể tới Nắng đồng bằng, Phố Nhà binh, Cuộc đời dài lắm[2] và đặc biệt là Ăn mày dĩ vãng. Là một nhà văn thành tựu cả trong đời sống lẫn sự nghiệp từ nỗ lực viết về quá khứ quân ngũ của chính mình, không có cách gọi tên tác giả nào đúng hơn bằng khái niệm “kẻ ăn mày dĩ vãng”[3], như chính nhan đề tác phẩm nổi tiếng đầu tiên đã mang đến cho ông giải thưởng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng của Hội Nhà văn Việt Nam, tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng. Được viết nên bằng những trải nghiệm trực tiếp nơi tác giả ở vị trí một người lính đặc công vùng ven đô; nhân vật Hai Hùng trong tác phẩm phảng phất mang hình bóng tác giả; và trải nghiệm đó sâu sắc đến độ từng có vài nhà phê bình cho rằng sau tiểu thuyết này, dường như bao nhiêu vốn liếng về trận mạc, nhà văn đã trút hết vào đó rồi, chẳng còn gì nữa[4].